Sau khi giảm mạnh vào năm 2015, quý 1/2016, xuất khẩu gạo và cà phê tăng mạnh trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước 3 tháng đầu năm đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1%.
Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 3 năm 2016 ước đạt gần 2,54 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2016 đạt 6,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó: giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,41 tỷ USD, tăng 8,6%.
Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu đã tăng trưởng trở lại sau khi giảm khá mạnh vào năm 2015, nhất là gạo và cà phê.
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2016 ước đạt 629 nghìn tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 năm 2016 đạt 433 USD/tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2015.
Indonexia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với thị phần đạt 31,42%. Xuất khẩu gạo sang thị trường này hai tháng đầu năm 2016 đạt 330,3 nghìn tấn và 131,01 triệu USD, tăng 213,1 lần về khối lượng và 196,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc, đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với 17,15% thị phần. Hai tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 160,69 triệu tấn và 71,5 triệu USD, tăng 39,2% về khối lượng và tăng 53,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Philippin tăng hơn 11 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 13,75% thị phần; thị trường Malaisia tăng 51,49% về khối lượng và tăng 49,27% về giá trị; thị trường Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 42,27% về khối lượng và tăng 23,85% về giá trị. Các thị trường có sự giảm lớn là Bờ Biển Ngà (giảm 25,19% về khối lượng và giảm 8,04% về giá trị), Singapore (giảm 20,1% về khối lượng và giảm 21,8% về giá trị).
Về cà phê, lượng cà phê xuát khẩu trong tháng 3/2016 ước đạt 182 nghìn tấn với giá trị đạt 300 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2016 đạt 479 nghìn tấn và 808 triệu USD, tăng 30,2% về khối lượng và tăng 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2016 đạt 1.711 USD/tấn, giảm 18,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 với thị phần lần lượt là 17,09% và 12,67%.
Xuất khẩu cao su 3 tháng đạt 263 triệu USD, tăng 19,2% về khối lượng nhưng giảm 6,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu thủy đạt gần 1,36 tỷ USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm là chè (3 tháng đầu năm đạt 35 triệu USD, giảm 5% về khối lượng và giảm 10,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015); hạt điều (xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 416 triệu USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 3,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015); hạt tiêu (3 tháng đầu năm 2016 đạt 349 triệu USD, tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 1,1% về giá trị).
Riêng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 3 năm 2016 đạt 548 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,49 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 - chiếm 65,98% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị tăng mạnh là Hà Lan (10,35%), Hàn Quốc (6,94%) và Hoa Kỳ (6,58%).
TL
Nguồn: Báo Đầu tư