(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Hội chợ năm nay có sự tham gia của 222 doanh nghiệp đến từ 16 nước. Do tình hình khó khăn chung của lĩnh vực thủy sản nên năm nay Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP không tổ chức tham dự.
Tại triển lãm, Thương vụ đã có các cuộc gặp và làm việc với trên 20 doanh nghiệp thủy sản khác nhau của Tây Ban Nha, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp có nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Thủy sản là một ngành hàng xuất khẩu khá quan trọng của Việt Nam sang Tây Ban Nha trong những năm gần đây. Tuy nhiên, năm 2015, cùng với khó khăn chung trong xuất khẩu thủy sản của cả nước, xuất khẩu thủy sản sang Tây Ban Nha đã giảm khá mạnh. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu thủy sản sang thị trường này chỉ đạt 59,3 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ 2014.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu nằm ở xuất khẩu cá tra. Trong 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Tây Ban Nha chỉ đạt 31,06 triệu USD, giảm mạnh 44,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá tra Việt Nam sang EU thì trong 8 tháng đầu năm 2015 Tây Ban Nha đã tụt xuống vị trí thứ ba (sau Hà Lan và Anh).
Hiện nay, Việt Nam vẫn là nguồn cung lớn nhất sản phẩm cá tra cho thị trường Tây Ban Nha. Theo số liệu Hải quan nước này, trong 7 tháng đầu năm 2015, Tây Ban Nha nhập khẩu mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh (mã HS 030462) khoảng 26,48 triệu Euro thì riêng nhập khẩu từ Việt Nam đạt khoảng 23,93 triệu Euro, chiếm trên 90%. Lượng nhập khẩu còn lại đến từ một số nước châu Âu khác như Hà Lan, Đức, Pháp… trên thực tế chủ yếu cũng có nguồn gốc từ Việt Nam.
Qua khảo sát trực tiếp với các doanh nghiệp Tây Ban Nha nhập khẩu cá tra Việt Nam thì có thể thấy từ năm 2015, xu hướng người tiêu dùng nước này giảm bớt tiêu thụ cá tra. Điều này trên thực tế có nhiều nguyên nhân. Trước hết là hình ảnh cá tra tại thị trường nước này vẫn chưa được người dân đánh giá cao, do tuyên truyền những năm trước đây về điều kiện chăn nuôi thiếu vệ sinh đối với loại cá này. Bên cạnh đó, một số lô hàng cá tra từng bị Hải quan Tây Ban Nha phát hiện sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng làm cho người tiêu dùng có xu hướng cảnh giác hơn. Họ thường cho rằng đây là loại cá rẻ tiền, chất lượng vừa phải. Khi mà kinh tế Tây Ban Nha có dấu hiệu phục hồi, người tiêu dùng có khả năng chi tiêu hơn, họ bắt đầu chuyển hướng đến các loại thủy sản khác. Trên thực tế, cá tra đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các loại cá thịt trắng khác nhập khẩu từ các nước châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc…
Ngoài cá tra thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Tây Ban Nha còn bao gồm các loại cá khác như cá ngừ, cá rô, các loài tôm, các loài nhuyễn thể như mực, bạch tuộc, nghêu… tuy nhiên giá trị xuất khẩu chưa cao. Các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống sang Tây Ban Nha vẫn là các nước Nam Mỹ, các nước khu vực Địa Trung Hải, một số nước châu Âu và châu Phi. Ngay ở khu vực châu Á, thủy sản Việt Nam cũng phải chịu cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc và Ân Độ. Các doanh nghiệp Tây Ban Nha cho biết khi nhập khẩu từ Trung Quốc, họ có thể được đáp ứng mọi yêu cầu về khối lượng (nhiều hoặc ít), về phương thức giao hàng (giao hàng rời hoặc hỗn hợp từng lô), sản phẩm đa dạng, giá cả hợp lý và chất lượng cũng đảm bảo.
Với xu thế thị trường hiện nay, có thể thấy xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Tây Ban Nha sẽ tiếp tục phải chịu cạnh tranh mạnh mẽ trong thời gian tới. Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Tây Ban Nha, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
- Có chiến lược tuyên truyền quảng bá, nâng cao hình ảnh cá tra tại thị trường Tây Ban Nha, đa dạng hóa các sản phẩm cá tra xuất khẩu.
- Nắm bắt xu thế thị trường, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thủy sản khác mà Việt Nam có thế mạnh như tôm, các loài nhuyễn thể…
- Đa dạng hóa các loại hình xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu.
- Đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tránh làm ăn theo tâm lý ngắn hạn.
- Thiết lập đối tác lâu dài với các nhà nhập khẩu thủy sản lớn, là những người có kênh phân phối sâu rộng và quan hệ chặt chẽ với các chuỗi siêu thị và các nhà bán buôn trên thị trường Tây Ban Nha.