Nhu cầu nhập khẩu của Ả-rập Xê-út tương đối lớn so với các nước trong khu vực GCC do dân số đông. Trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của nhập khẩu là 13,5%. Tăng trưởng nhập khẩu chủ yếu là do sự mở rộng nền kinh tế sang lĩnh vực phi dầu khí dựa trên sự phát triển trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, phải kể đến nhu cầu sản xuất liên quan đến dầu khí và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ngày một tăng. Tuy nhiên, cán cân thương mại thặng dư do doanh thu xuất khẩu dầu tăng bù lại những thâm hụt về chuyển giao dịch vụ.
Nhờ có trữ lượng dầu khí và tận dụng yếu tố này để phát triển ngành công nghiệp dầu khí, trong khi địa hình chủ yếu là sa mạc không thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp và sản xuất, nền kinh tế Ả-rập Xê-út phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu các sản phẩm dầu khí và chiết xuất từ dầu khí. Ả-rập Xê-út nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa như: thiết bị máy móc và giao thông (42,4%), hóa chất và các sản phẩm cơ khí cơ bản (21,9%), lương thực thực phẩm (15,2%), các mặt hàng khác (20,5%). Với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu như trên, Việt Nam có thể tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như: dệt may, giày dép, nông sản các loại (hạt tiêu, chè, gạo, hạt điều, cà phê), đồ thủ công mỹ nghệ, máy tính và linh kiện điện tử và phụ tùng... Bên cạnh đó, trong kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2010-2014, nhiều dự án xây dựng đang được triển khai mạnh mẽ tại Ả-rập Xê-út, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như nguyên vật liệu xây dựng (gạch ốp lát, sứ vệ sinh, v.v.). Đây là những mặt hàng Ả-rập Xê-út thường xuyên nhập khẩu với giá trị lớn trong những năm qua.
Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-ut phát triển tích cực thời gian qua. Thông qua các chuyến thăm và làm việc lẫn nhau, hai bên nỗ lực tăng cường thúc đẩy thương mại song phương.
Các doanh nghiệp Ả-rập Xê-ut rất quan tâm đến làm ăn với thị trường, doanh nghiệp Việt Nam và muốn nhập khẩu hàng lương thực thực phẩm, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, nông sản, chè, hạt tiêu, thiết bị nội ngoại thất văn phòng và gia dụng, dệt may.... của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Ả-rập Xê-ut đã và đang tích cực đi khảo sát thị trường Việt Nam để tìm hiểu cơ hội kinh doanh và gặp gỡ trực tiếp đối tác thảo luận hợp tác làm ăn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sang khảo sát thị trường Ả-rập Xê-út và thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác bạn hàng. Nhân các chuyến thăm, khảo sát thị trường, nhiều hội thảo/diễn đàn doanh nghiệp đã được tổ chức tại hai nước nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng khả năng hợp tác với nhau, trong đó quan trọng nhất là một số hội thảo quan trọng trong khuôn khổ các chương trình XTTM quốc gia.
Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-ut tăng nhanh thời gian qua. Từ chỗ mới đạt 36,3 triệu USD năm 2001 và tăng lên 181,2 triệu USD năm 2007, năm 2012 đạt 1,43 tỷ USD, năm 2013 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1.7 tỷ USD (trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 471,1 triệu USD và nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD).
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Ả-rập Xê-út giai đoạn từ 2003 – 9T/2015
Đơn vị tính : triệu USD
Năm |
Kim ngạch xuất khẩu |
Kim ngạch nhập khẩu |
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu |
2003 |
20,1 |
38,3 |
58,4 |
2004 |
21,3 |
65,3 |
86,6 |
2005 |
30,5 |
89,5 |
120,0 |
2006 |
50,5 |
100,6 |
151,1 |
2007 |
51,5 |
130,0 |
181,5 |
2008 |
118,3 |
173,2 |
291,5 |
2009 |
103,0 |
351,0 |
454,0 |
2010 |
143,7 |
600,3 |
744,0 |
2011 |
261,3 |
781,2 |
1.042,5 |
2012 |
545,8 |
884,9 |
1.430,8 |
2013 |
471,8 |
1.243,1 |
1.714,8 |
2014 |
534,8 |
1.337,9 |
1.912,7 |
9T/2015 |
402,5 |
777,7 |
1.180,2 |
Nguồn Tổng cục Hải quan
Các mặt hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường này gồm có: dệt may, hải sản, chè, máy móc thiết bị phụ tùng, máy tính và linh kiện điện tử, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng nông sản (hạt tiêu, hạt điều, gạo, rau quả, cà phê, cao su), giấy các loại, sản phẩm nhựa, thủ công mỹ nghệ, và mây tre đan... Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu gồm: chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm hoá chất, hoá chất, khí đốt hoá lỏng, ôtô, thức ăn gia súc, sắt thép các loại... Tuy vậy, trong cán cân ngoại thương giữa hai nước, Việt Nam luôn ở thế nhập siêu. Mặc dù những năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Ả-rập Xê-ut đã có khởi sắc nhưng tốc độ tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Ả-rập Xê-ut vẫn chậm hơn so với tốc độ nhập khẩu từ thị trường này. do Việt Nam nhập khẩu với số lượng lớn các mặt hàng như chất dẻo nguyên liệu và hóa chất là thế mạnh của Ả-rập Xê-út và để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước
Ả-rập Xê-út là một thị trường quan trọng trong khu vực Trung Đông. Giữa hai nước còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng nhanh chóng thời gian qua. kim ngạch hai chiều năm 2013 tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ả-rập Xê-út, các doanh nghiệp cần tích cực tham dự các đoàn xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm để nắm bắt các cơ hội kinh doanh tại thị trường nhiều tiềm năng này.
Phạm Xuân Trang