Hỏi chuyện ông Lê Quốc Bảo, Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, xung quanh vấn đề hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Việt Nam đã là thành viên của WTO. Vậy những quy định pháp luật mà đặc biệt trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã thích ứng đến đâu so với những nguyên tắc của hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) của WTO, thưa ông?
Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã rà soát các tiêu chuẩn cho phù hợp với những quy định liên quan đến hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Việc rà soát đa được tiến hành trong nhiều năm do nhiều cấp ban ngành, địa phương...
Tuy nhiên, Việt Nam không thể loại bỏ 100% bất cập bởi có những bất cập lớn có thể loại bỏ nhưng có những bất cập nhỏ không thể loại bỏ mà phải có thời gian triển khai. Khi đã là thành viên WTO, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát các hệ thống tiêu chuẩn để phù hợp hơn nữa với các quy định của WTO liên quan đến TBT. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã hỗ trợ đảm bao tính tương thích của hệ thống pháp luật liên quan đến TBT.
Có phải vào WTO là Việt Nam phải loại bỏ hoàn toàn các hàng rào kỹ thuật?
Không thể loại bỏ tất cả các hàng rào kỹ thuật, vì nếu không có nó thì nhiều thư sẽ không được bảo vệ.
Chúng ta đã cấm nhập khẩu thịt bò từ những nước xuất hiện dịch bò điên; các cơ quan kiểm dịch động thực vật đã tăng cường đến mức tối đa việc kiểm soát gia cầm và trứng gia cầm nhập khẩu để ngăn chặn sự tái bùng phát bệnh cúm gia cầm.
Không chỉ ở phạm vi biên giới mà cả trong nội địa, giữa các tỉnh, các khu vực phát hiện ổ dịch H5N1 hay lở mồm long móng, việc khoanh vùng ngăn chặn sự lây lan là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý thú y ở Trung ương và địa phương. Những biện pháp kỹ thuật hay hàng rào kỹ thuật như vậy WTO không cấm mà còn đưa ra các điều khoản để duy trì.
Những điều khoản này được trình bày trong Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh động, thực vật (Hiệp định SPS). SPS điều chỉnh đối với một lĩnh vực mang tính sống còn của mỗi quốc gia, đó là an toàn, sức khoẻ của con người cũng như là của vật nuôi, cây trồng - nguồn thực phẩm hàng ngày của con người.
Không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà trong nhiều lĩnh vực khác cũng có quyền xây dựng các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo an toàn, sức khoẻ của người tiêu dùng, chống gian lận thương mại (hàng giả, hàng nhái), an ninh quốc gia cũng như bảo vệ môi trường sinh thái... Như vậy, với Hiệp định TBT và Hiệp định SPS, WTO điều chỉnh vấn đề liên quan đến kỹ thuật đối với gần như tất cả các loại hàng hoá.
Việt Nam đưa ra mức bảo vệ nhất định đã đảm bảo an toàn cuộc sống con người, động thực vât, môi trường... nhưng ở Hoa Kỳ và các nước khác... có nhận thức, đời sống tốt hơn nên mức độ đòi hỏi cao hơn. Việt Nam không thể lấy mức cao đó của các nước để áp đặt cho quốc gia trong khi mình đang ở mức thấp. Điều này sẽ gây cản trở ngay bản thân các doanh nghiệp và hàng hoá trong nước. Mặc dù có thể người tiêu dùng sẽ được hưởng mức độ an toàn cao hơn nhưng sẽ phải trả giá rất cao.
Về nguyên tắc, sẽ phải đưa các yêu cầu đó lên nhưng phải có thời gian từ từ và là một bài toán khó, lâu dài. Có những vấn đề trước mắt cần phải giải quyết như: an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm... nhưng có những việc phải phụ thuộc vào năng lực công nghệ, tài chính và nhận thức của con người.
Vậy làm thế nào để đảm bảo sức cạnh tranh sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp, quyền lợi của quốc gia và người tiêu dùng trong quá trình thực thi TBT, thưa ông?
Vấn đề này đã được xác định trong các kế hoạch, chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Có những cái biết là không tốt nhưng vẫn phải duy trì để tồn tại và phát triển.
Việt Nam không thể nâng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm lên mức cao ngất ngưởng. Việt Nam muốn có rau sạch, an toàn nhưng làm sao có môi trường để tạo ra rau sạch nên trước mắt chỉ có thể cố gắng làm sạch hơn. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ phải đặt ra chiến lược, thời điểm để có rau sạch.
Mọi người lo ngại nếu Việt Nam cứ áp dụng mức bảo vệ thấp thì các sản phẩm hàng hoá nước ngoài sẽ tràn vào làm ảnh hưởng thị phần của cac doanh nghiệp trong nước. Đúng là chuyện đó có thể xảy ra nhưng về phía Nhà nước đã áp dụng rất nhiều biện pháp thuế và phi thuế quan khác, các công cụ quản lý Nhà nước về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật...
Theo ông, mạng lưới TBT có vai trò gì?
Hệ thống cơ quan thông báo hỏi đáp TBT có chức năng thông báo các hàng rào kỹ thuật của Việt Nam cho WTO và các thành viên biết để khi hàng hoá các nước khi vào Việt Nam phải đối mặt với những hàng rào nào, cơ quan này phải cung cấp thông tin hàng hoá thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước khác cho các doanh nghiệp trong nước biết để có thể xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường đó hoặc có thể cạnh tranh với chính các sản phẩm hàng hoá trong thị trường nội địa. Hiện nay ở 12 bộ và 64 tỉnh thành phố đều đã có cơ quan thông báo hỏi đáp về TBT.
(VnEconomy)