(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn.
Trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam là sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. Cụ thể, Việt Nam sẽ được các nước xóa bỏ thuế quan ngay cho khoảng 78% - 95% số dòng thuế, với hàng hóa thông thường, lộ trình xóa bỏ thuế là 5 – 10 năm, đến cuối lộ trình thuế, sẽ xóa bỏ đến 98% - 100% số dòng thuế. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam nhận được từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có. Ngược lại, Việt Nam loại bỏ ngay 65% số dòng thuế, đến năm thứ 11 sẽ xóa bỏ 97,8% số dòng thuế cho các đối tác.
Một ưu điểm khác của CPTPP mang lại cho Việt Nam là thiết lập thương mại tự do với nhiều đối tác hơn. Đồng thời, là động lực để doanh nghiệp Việt mạnh dạn khai phá các thị trường mới. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của các thành viên CPTPP mang tính bổ sung và ít cạnh tranh với nhau.
CPTPP có hiệu lực được cho là sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, nông, thủy sản…sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru….
Ngành dệt may: Mức thuế xuất khẩu hàng dệt may tới các thị trường chưa có FTA chung hiện nay trung bình là trên 10%, khi CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung sẽ được hưởng thuế suất 0%. Khi đó, sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ được củng cố lợi thế cạnh tranh về giá. Đó cũng là động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi dệt – may hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nhờ có CPTPP, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ quan tâm tìm hiểu và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới ở khu vực Nam Mỹ.
Da giày: CPTPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng cho Việt Nam như Mexico và Canada. Đó chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao hơn.
Mặc dù có được ưu đãi về thuế thì giá trị thật sự mà các doanh nghiệp da giầy của Việt Nam nhận được là không nhiều vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang gia công cho các thương hiệu nước ngoài.
Trong khi đó, các thị trường mới như Mexico, Canada từ trước đến nay đã quen sử dụng các thương hiệu da giầy đến từ các quốc gia khác và chưa có nhiều thông tin về sản phẩm da giầy của Việt Nam.
Ngành gỗ được hưởng lợi về thuế quan: Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ đẩy mạnh xuất khẩu khi các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa và nhất là đồ nội thất có thuế nhập khẩu dao động từ 6% đến 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu từ 7% về 0% ngay lập tức.
Nhờ CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội để thâm nhập thị trường Mexico sâu hơn, vì nước này đã cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất của Việt Nam với lộ trình tối đa là 10 năm. Khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ một cách đột biến là không có nhiều, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp Việt sẽ lớn dần theo lộ trình giảm thuế.
Nông, thủy sản: Các nhóm mặt hàng nông sản chế biến Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng cạnh tranh cao như rau quả chế biến, sản phẩm chăn nuôi chế biến, bơ sữa….
Tuy nhiên, Việt Nam cũng có lợi thế về sản xuất nông thủy sản nhiệt đới với khả năng cạnh tranh cao trong sản xuất, giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, năng suất cao, nguồn nhân lực rẻ hơn các thành viên khác….
Bên cạnh cơ hội cũng luôn luôn đi kèm với thách thức. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa nông, thủy sản Việt Nam. Ngành sẽ phải đẩy nhanh quá tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Đặc biệt, chú trọng đến triển khai quyết liệt các giải pháp để tái cơ cấu ngành theo tiểu ngành, các vùng nhằm thúc đẩy phát triển nông sản hàng hóa.