Trong năm 2018 sản phẩm gốm sứ của Việt Nam được xuất chủ yếu sang thị trường Mỹ, chiếm 15,9% tỷ trọng đạt 80,98 triệu USD tăng 21,74% so với năm 2017, riêng tháng 12/2018 xuất sang Mỹ đạt 10,33 triệu USD, tăng 17,37% so với tháng 11/2018 và tăng 16,28% so với tháng 12/2017.
Thị trường đạt kim ngạch lớn đứng thứ hai là Nhật Bản, chiếm 15,42% đạt 78,58 triệu USD, tăng 7,21% so với năm trước, mặc dù tháng 12/2018 xuất sang Nhật Bản giảm 20,2% so với tháng 11/2018 và giảm 21,18% so với tháng 12/2017 tương đương với 5,22 triệu USD. Kế đến là các thị trường Đài Loan (TQ), Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc…. Ngoài ra, xuất sang các nước Đông Nam Á chiếm 22,86% và EU chiếm 16,81%.
Đáng chú ý, đối với thị trường Trung Quốc đại lục với vị trí, khoảng cách địa lý gần với Việt Nam, trong năm 2018 tăng mạnh nhập khẩu sản phẩm gốm sứ từ Việt Nam, tuy chỉ chiếm 3,34% tỷ trọng, nhưng so với năm 2017 tăng gấp 2,1 lần (tức tăng 113,88%) đạt 17 triệu USD, riêng tháng 12/2018 đạt 1,89 triệu USD tăng 3,35% so với tháng 11/2018 và tăng gấp 3 lần (tức tăng 205,38%) so với tháng 12/2017.
Ngoài ra, Indonesia cũng tăng mạnh nhập khẩu gốm sứ của Việt Nam, tăng 84,23% đạt 13,96 triệu USD, mặc dù tháng 12/2018 kim ngạch giảm 14,1% so với tháng 11/2018 và giảm 4,22% so với tháng 12/2017 tương ứng với 1,24 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Thụy Sỹ giảm mạnh, giảm 47,98% với 85,2 nghìn USD, riêng tháng 12/2018 đạt 33,9 nghìn USD, tăng 19,17% so với tháng 11/2018 nhưng giảm 3,98% so với tháng 12/2017.
Đáng chú ý Nhật Bản là thị trường có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về tiêu chuẩn hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng chì…theo Luật Tiêu chuẩn Công nghiệp Nhật Bản (JIS); hoặc phải có dấu hiệu “Ceramic Ware Safety Mark” dựa theo tiêu chuẩn công nghiệp tự nguyện... Các sản phẩm khi vào thị trường Nhật Bản phải được kiểm định chất lượng với chi phí không nhỏ, nhưng các doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam chủ yếu là nhỏ, lẻ nên việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu không phải doanh nghiệp nào cũng làm được, đây cũng là lý do sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế về nguồn cung.
Mặc dù gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam luôn thuộc top 5 trên thị trường Nhật Bản nhưng xét về giá, sản phẩm của Việt Nam thường thấp hơn so với giá các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan. Sản phẩm của Việt Nam được xác lập thuộc phân khúc thị trường giá rẻ, một phần là do sản phẩm gốm sứ Việt Nam chưa có thương hiệu, chưa có sự đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng, chưa tạo được nhiều nét độc đáo. Chính với giá thấp như vậy nên sản phẩm gốm sứ Việt Nam cũng chưa nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng Nhật Bản do e ngại về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất mà các doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam phải bỏ ra là rất lớn do công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, lượng tiêu hao nguyên vật liệu nhiều. Do đó càng làm cho lợi nhuận thu về từ hoạt động xuất khẩu chưa đạt hiệu quả cao.