Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi nhận được thông tin về một vụ lừa đảo tại Nam Phi,.
Cụ thể, Công ty A (Thành phố Hồ Chí Minh) ký hợp đồng mua 50 tấn đường từ công ty Nam Phi có địa chỉ như sau:
PRO BUILD CONST. CO. PTY LTD. T/A FELTEX
Address: 41 Martinus Ras St, Rosslyn, Pretoria, South Africa – 0200
Phone : +27-120042608
Fax : +27-86-546-7742
Mobile : + 27 72 629 27 57 . (Whatsapp)
Web Site :
www.feltexincoporated.com
Skype: albertshawn2
Contact Person: Mr. Albert Shawn-Export Manager
Do tiếp xúc qua mạng internet và lần đầu tiên làm ăn với nhau, công ty A hết sức cảnh giác, sử dụng nhiều biện pháp để kiểm tra độ tin cậy và năng lực của đối tác Nam Phi. Công ty A kiểm tra trang web của đối tác Nam Phi và trưc tiếp trao đổi với đối tác Nam Phi qua “Whatsapp” và “Skype”. Công ty A yêu cầu đối tác Nam Phi gửi ảnh nhà máy và kho hàng. Đối tác Nam Phi đáp ứng đầy đủ. Công ty A yêu cầu đối tác Nam Phi gửi mẫu. Đối tác Nam Phi sử dụng dịch vụ gửi hàng quốc tế UPS là dịch vụ yêu cầu người gửi phải mở tài khoản với đầy đủ thông tin cá nhân để nhân viên UPS kiểm tra xác nhận trước khi chấp nhận cho sử dụng dịch vụ. Kèm theo hàng mẫu đối tác Nam Phi còn gửi giấy chứng nhận chất lượng do cơ quan có thâm quyển của Nam Phi cấp, và chứng từ giao hàng cho thấy khách đang giao một lô đường cho doanh nghiệp Israel. Cảm thấy đối tác Nam Phi có thể tin được, công ty A quyết định thanh toán 30 % tiền đặt cọc cho đối tác Nam Phi như đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tác Nam Phi gửi ảnh lô hàng đang được đóng gói để giao cho công ty A, giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của Nam Phi cấp, giấy chứng nhận xuất xứ do Phòng Thương mại Nam Phi cấp. Và cuối cùng, đối tác Nam Phi gửi cho công ty A bản sao vận đơn đường biển thể hiện lô đường giao cho công ty A đã được xếp lên tầu.
Công ty A kiểm tra kỹ bản sao vận đơn đường biển và thấy hãng tầu có thực và số vận đơn đường biển cũng có thực. Công ty A quyết định thanh toán nốt 70 % cho đối tác Nam Phi như đã thỏa thuận trong hợp đồng đã ký giữa hai bên.
Sau khi hoàn tất việc thanh toán cho đối tác Nam Phi, công ty A cho nhân viên sử dụng dịch vụ “shipment tracking” để theo dõi lô hàng theo số vận đơn thì phát hiện ra lô hàng đã rời cảng Nam Phi nhưng không phải là để đến cảng Việt nam mà là đến một cảng ở nước khác.
Ngay lập tức công ty A liên hệ với đối tác Nam Phi nhưng điện thoại không liên lạc được, “Whatsapp” và “Skype” không nhận cuộc gọi, “E-mail” không có hồi âm, và ngay cả trang web hoành tráng hôm trước nay cũng không thể truy cập được nữa.
Không còn cách nào khác, công ty A liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi đề nghị hỗ trợ.
Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi ngay lập tức liên hệ với ngân hàng nơi đối tác Nam Phi mở tài khoản và đề nghị áp dụng các biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, ngân hàng thông báo đối tác Nam Phi đã rút hết tiền ra khỏi tài khoản.
Thương vụ Việt nam tại Nam Phi tiến hành thẩm tra thương nhân và thông báo vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền của Nam Phi đề nghị giúp đỡ theo đề nghị của công ty A.
Bước đầu xác định được địa chỉ, số điện thoại là giả, số fax sử dụng dịch vụ thu phát qua internet không xác minh được địa chỉ đặt máy fax, giấy chứng nhận chất lượng giả, chứng từ giao hàng cho Israel giả, giấy chứng nhận kiểm dịch giả, giấy chứng nhận xuất xứ giả, và vận đơn đường biển giả.
Qua sự việc trên, Thương vụ Việt nam tại Nam Phi xin cảnh báo đối tác Nam Phi lừa đảo có thông tin như đã nêu ở trên, cảnh báo các thủ đoạn của đối tác lừa đảo, và xin có các kiến nghị sau đây:
1. Yêu cầu đối tác tiến hành giám định số lượng và chất lượng hàng hóa bới 1 công ty giám định quốc tế (SGS, BV …) đóng tại nước sở tại. Nếu đối tác tìm cách từ chối thì doanh nghiệp Việt nam có thể tự mình thuê giám định. Khi nhận được giấy chứng nhận giám định cần kiểm tra chéo để xác định tính chân thực của giấy chứng nhận giám định.
2. Thanh toán qua ngân hàng có uy tín được xác nhận của ngân hàng Việt Nam. Sử dụng phương thức thanh toán L/C hoặc D/P để ngân hàng hỗ trợ kiểm tra đối tác và kiểm tra việc giao hàng.
3. Liên hệ với các Thương vụ Việt nam đề nghị thẩm tra đối tác trước khi thanh toán hoặc giao hàng.
Nguyễn Hồng Tiến-Tham tán Thương mại Việt nam tại Nam Phi