Theo ITC, trong năm 2014, giá trị và khối lượng nhập khẩu thủy sản của Rumani đều tăng, lần lượt là 15% và 18% so với năm 2013. Giá trị nhập khẩu vượt quá 170 triệu USD, tương ứng với 71 nghìn tấn. Những thị trường chính xuất khẩu mặt hàng này sang Rumani là: Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy,… Việt Nam hiện đứng thứ 8 về kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong năm 2014.
Ngược lại, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Rumani từ Việt Nam có xu hướng giảm về kim ngạch, ngoại trừ năm 2010 và năm 2011 là năm có kim ngạch trên 10 triệu USD, còn những năm sau đó, kim ngạch đều đạt dưới 10 triệu USD. Riêng năm 2014, kim ngạch đã tăng hơn so với năm 2013, ứng với 9,54 triệu USD, tăng 15,18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: ITC
Theo Hải quan Việt Nam , tính đến hết 8 tháng năm 2015, kim ngạch đạt 3,13 triệu USD, giảm 45,21% so với 8 tháng năm 2014.
Vì là thành viên của EU, Rumani cũng áp dụng những luật lệ nhập khẩu thủy sản từ nước thứ 3 của khối nay. Mỗi điểm kiểm soát biên giới (BIP) đều có thẩm quyền thực hiện một số kiểm tra với một số loại hàng hóa. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần tìm hiểu về điểm kiểm soát biên giới mà mình định sử dụng để thông quan hàng hóa có được phép kiểm tra các mặt hàng thủy sản sống hay đông lạnh không? Nếu như điểm kiểm soát biên giới giống nhau, sẽ được đề cập trong tài liệu đi kèm theo hàng hóa.
Những nhà nhập khẩu Rumani cũng phải thông báo và nộp văn bản xin nhập khẩu thú y thông thường (CVED) cho điểm kiểm soát biên giới. Khi hàng hóa đến điểm kiểm soát biên giới, chúng sẽ được kiểm tra làm 3 giai đoạn: văn bản, nhận dạng và thực tế.
Xác minh tài liệu bao gồm việc kiểm tra các tài liệu kèm theo hàng hóa nhập khẩu. Sản phẩm thủy hải sản nhập khẩu vào lãnh thổ EU phải có nguồn gốc từ một nước được cho phép xuất khẩu sang EU và từ một cơ sở được EU phê duyệt thuộc quốc gia đó. Lô hàng thủy sản phải kèm theo giấy chứng nhận thú y theo quy định của Ủy ban số 2006/199 về điều kiện cụ thể đối với việc nhập khẩu các sản phẩm thủy sản và quy định số 1012/2012 về yêu cầu sức khỏe đối với cá nhập khẩu.
Việc kiểm tra nhận dạng sẽ được thực hiện bởi các nhân viên của điểm kiểm soát biên giới. Họ sẽ kiểm tra xem thông tin được cung cấp trong văn bản có phù hợp với quy định hay không, số phương tiện vận chuyển có trùng khớp hay không, con dấu còn nguyên vẹn và trùng khớp với mẫu đã đăng kí hay không và chứng nhận sức khỏe có phải của quốc gia và cơ sở được EU cho phép hay không.
Điểm kiểm soát biên giới sẽ thực hiện kiểm tra thực tế ngay tại phương tiện vận chuyển, đặc biệt là nhiệt độ, khối lượng hàng hóa, bao bì và sản phẩm (mùi, vị, màu sắc, hàng hòa bên trong bao bì). Các nhân viên tại đây cũng có thể thử một tỉ lệ nhất định đối với lô hàng trong phòng thí nghiệm.