Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án với mục tiêu đến năm 2020 hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Theo thông tin từ trang web của Bộ Công Thương hôm 16-9, Thủ tướng hôm 3-9 ra Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020.
Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp hàng hóa của Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia, tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các hệ thống phân phối nước ngoài.
Việt Nam sẽ tăng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài, trước mắt là các hệ thống phân phối đã có mặt tại Việt Nam và tiếp đến là các hệ thống phân phối lớn khác. Kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài cũng tăng theo từng năm đối với những nhóm hàng xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, thủy sản, cà phê, chè, rau quả, đồ gỗ nội thất,...
Để thực hiện việc này, Thủ tướng giao các nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan, gồm:
- Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu, trong đó có xây dựng thông tin và cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam để cung cấp cho khách hàng;
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hoạt động sản xuất, phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp với yêu cầu của hệ thống phân phối nước ngoài. Chính phủ cũng ưu tiên hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia;
- Thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu sản phẩm vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối nhằm tăng cường hợp tác và tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thông qua hệ thống cơ sở, chi nhánh bán lẻ của các hệ thống phân phối nước ngoài;
- Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập kho ngoại quan để cung ứng hàng hóa kịp thời cho các hệ thống phân phối nước ngoài;
- Nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối nước ngoài.
Kinh phí để thực hiện đề án này đến từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tự chủ của doanh nghiệp và các nguồn kinh phí khác.
Trước đó, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương cũng đã kết hợp tổ chức tuần lễ hàng Việt tại một số siêu thị ở Hàn Quốc, Đức, Ý,… Hiện hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu vào nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa chủ yếu qua các công ty thương mại, các nhà nhập khẩu trung gian.
Tại một số hội thảo về xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phản ánh về việc khó tiếp cận được các siêu thị của nước ngoài tại các nước như châu Âu, và cho biết một trong những điều họ cần được hỗ trợ là làm sao biết và gặp được đúng người phụ trách thu mua hàng hóa của các siêu thị lớn, thay vì chỉ trưng bày hàng hóa Việt Nam một cách chung chung tại siêu thị nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện có không ít doanh nghiệp, như công ty đồ gỗ Đức Thành, cho biết đã xuất khẩu vào được siêu thị của nước ngoài, như Lotte tại Hàn Quốc, sau khi đã bán hàng hóa cho Lotte Mart tại Việt Nam một thời gian.
T.Thu
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn