Xuất khẩu tăng mạnh
Vài năm gần đây, gỗ và các sản phẩm từ gỗ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng XK. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, năm 2015, gỗ Việt đã XK đạt kim ngạch khoảng 7 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất với trên 2,6 tỷ USD, chiếm 38,3% tổng kim ngạch XK gỗ của Việt Nam.
XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt được quy mô lớn và tăng trưởng cao do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước có chất lượng cao. 2 tháng năm 2016, sản lượng gỗ khai thác đã đạt 749.000 m3, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, năm 2016, sản lượng gỗ khai thác có thể vượt qua mốc 8,5 triệu m3, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất các sản phẩm XK. Thứ hai, năng lực chế biến các sản phẩm từ gỗ tương đối tốt cũng là nguyên nhân giúp nước ta có nhiều sản phẩm đồ gỗ XK chất lượng, tính thẩm mỹ cao, giá cả hợp lý…
Với tốc độ tăng trưởng XK như hiện tại, dự kiến kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 có thể vượt qua mốc 7 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.
Liên kết để tạo sức cạnh tranh
XK gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 được đánh giá là có nhiều thuận lợi, khi châu Âu đang giảm sản xuất đồ gỗ; gỗ Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá; thuế XK gỗ giảm khi TPP có hiệu lực… Gỗ cũng là 1 trong 12 ngành được ưu tiên XK theo cam kết của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).
Tuy nhiên, để tận dụng tốt thời cơ, ngành gỗ phải giải quyết nhiều tồn tại. Đơn cử, hiện nay dù số lượng doanh nghiệp đồ gỗ tương đối lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa có đủ năng lực đáp ứng các đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, gỗ XK hiện tập trung vào các sản phẩm chính như gỗ băm (gỗ vụn), gỗ ván bóc, gỗ dán, gỗ xẻ, đồ gỗ nội, ngoại thất… Trừ đồ gỗ nội, ngoại thất, những mặt hàng còn lại đều là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: Gỗ vụn XK sang Hàn Quốc, Đài Loan làm giấy, gỗ ván bóc sang Malaysia làm gỗ dán, gỗ xẻ sang Nhật Bản, Hàn Quốc... Khi TPP có hiệu lực, các sản phẩm nguyên liệu XK này không nằm trong danh mục các sản phẩm được miễn thuế.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores - thừa nhận, nguồn nguyên liệu là một trong ba “nút thắt” của XK gỗ trong năm 2016. Các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp, trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có các hướng dẫn cụ thể.
Vifores khuyến cáo, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, tạo thành doanh nghiệp đủ lớn, có trình độ công nghệ hiện đại, đủ năng lực sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, thay vì XK nguyên liệu, cần tăng cường sản xuất sản phẩm từ gỗ như đồ gỗ nội, ngoại thất nhằm tận dụng tốt nhất cơ hội giảm thuế.
Với tốc độ tăng trưởng XK như hiện tại, dự kiến kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2016 có thể vượt qua mốc 7 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.